From the blog

Deal Lương !

Trước khi nghĩ đến lương, hãy nhìn thêm những cơ hội và quan trọng nhất là ai đang cần ai. 

Một ngày nọ, Chung nhận được một tin nhắn qua Linkedin nhờ hỗ trợ. Chung xin số phone của bạn và gọi điện trao đổi.

Bạn cảm thấy mức lương thấp so với công việc mà bạn thực làm. Hợp đồng sắp tới hạn và bạn phải đưa ra quyết định có ký tiếp hay không. 

– Làm sao em biết mức này thấp? 
– Em xem qua các tin tuyển dụng.
– Vậy nếu muốn tăng thì em mong muốn sẽ tăng bao nhiêu phần trăm? 
– Em muốn tăng thêm 10%.
Nếu không được tăng thì em có tìm công việc khác không?
Em có. 

– Em có thể chia sẻ thêm một số việc liên quan đến công việc hiện tại của em được không? Ví dụ: quản lý, môi trường làm việc hay tính chất công việc…
– Công việc này là công việc thứ hai của em, công việc làm remote (từ xa), em không phải là người của công ty mà là qua một bên thứ ba. Em làm 6 tháng rồi và chuẩn bị ký tiếp 6 tháng nữa. 
– Điều này có nghĩa nếu em muốn được tăng lương thì em sẽ phải đề nghị chủ quản của em và công ty của em sẽ gửi đề nghị tăng lương, tăng phí dịch vụ với công ty khách hàng?
– Dạ đúng.
… 
– Tỷ lệ % thu nhập từ công việc này so với tổng thu nhập hàng tháng và công việc chính được không? 
– Tỷ lệ này cũng xấp xỉ là 50%. 

Đến đây, Chung khuyên bạn không nên đề nghị tăng lương vì: 

1. Bạn không phải là lao động trực tiếp của công ty nên công ty của bạn muốn tăng lương cho bạn thì có thể phải đề nghị khách hàng tăng thêm phí dịch vụ. Việc này sẽ  khó cho các bên. Trường hợp xấu nhất, khách hàng không đồng ý tăng phí dịch vụ thì họ không thuê công ty em nữa. Như vậy, em có thể mất việc.

2. Tỷ lệ % thu nhập từ công việc thứ hai này đang chiếm tỷ trọng cao (50%) nên đây là một công việc quan trọng, không thua gì công việc chính đang làm. Hơn nữa, lại còn được làm việc linh hoạt nên nếu tăng thêm 10% thu nhập thì có thể sẽ mất đi 50% thu nhập/tháng. Như vậy thì liệu có đáng hay không? 

3. Trong trường hợp em không hài lòng với công việc hiện tại và đang muốn tìm công việc khác thì cũng nên dành thời gian để chuẩn bị trước. Hoặc em cố gắng làm tốt hơn để công ty chủ động tăng lương cho em. Không nên vội vàng mà ảnh hưởng đến toàn cục. Nếu em có thời gian làm công việc này càng dài, em sẽ càng có thêm kinh nghiệm. Điều này có lợi cho em về lâu dài. 

4. Nếu còn lăn tăn, em hãy dành thêm 1-2 ngày để suy nghĩ và cân nhắc. Đừng vội vì mình là người đang cần công việc. Vị trí của em có thể bị thay thế bất cứ lúc nào vì công ty chủ quản của em luôn có các ứng viên để thay thế/dự phòng. 

Sau đó, bạn chia sẻ là bạn không đề nghị tăng lương nữa và vẫn gia hạn hợp đồng. 

Trước khi ra quyết định, hãy cân nhắc kỹ. Nếu thiếu thông tin và thiếu sự quyết đoán, hãy nhờ thêm người khác có tâm và có tầm để được hỗ trợ.

Deal lương là chuyện nhỏ, nhưng tổng thu nhập cả năm và các cơ hội khác cũng là những vấn đề cần lưu tâm. Và quan trọng nhất là ai đang cần ai và mình là ai.

Chúc mọi người ngày mới nhiều niềm vui!

Những bài viết liên quan

NHÂN VIÊN THÔI VIỆC, CÔNG TY NÊN VUI

Tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn rời công ty, tổ chức và phần lớn đều thành công hơn, hạnh phúc hơn.  Trước đây, tôi đã từng được giữ lại trong một số công ty nhưng tôi vẫn quyết định […]